Cá betta đẻ như thế nào? Kỹ thuật nhân giống cá betta

Bài viết này được lấy nguồn từ: Sở NN và PTNT Tỉnh Tây Ninh

Cá betta (Betta splendens), là giống cá kiểng có dạng hình giống cá lia thia nhưng màu sắc phối trộn rực rỡ với nhiều dạng đuôi như đuôi tưa, đuôi kép, đuôi tròn bán nguyệt… Cá betta hiện được ưa chuộng, hấp dẫn nhiều người nuôi kiểng, đá cá. Cá betta được nhập về chủ yếu từ Thái Lan, giá bán lẻ tại các cửa hàng cá kiểng khoảng 20.000 – 100.000 đồng/con, có con giá vài trăm ngàn đồng. Đây là loài cá dễ nhân giống, tuy nhiên nếu không đáp ứng đúng kỹ thuật thì khó thành công, tỷ lệ hao hụt sau khi nở rất cao. Là giống cá đẻ trứng, trước khi đẻ, con trống nhả bọt trên mặt nước, ép con mái cho trứng rơi ra ngoài môi trường, thụ tinh và mang trứng vào ấp trong tổ bọt. Con trống chăm sóc trứng.

Cá betta là loài đẻ trứng, con đực tham gia vào quá trình ấp trứng

Cá betta là loài đẻ trứng, con đực tham gia vào quá trình ấp trứng

Hiện nay, người ta đã tạo ra được cá có rất nhiều màu sắc:

  • Màu xanh biếc, xanh cầu vồng, xanh trắng, xanh da trời.
  • Màu đỏ thẩm, đỏ sáng, đỏ kem.
  • Màu hồng đậm, màu tím, màu vàng…

Nuôi vỗ cá bố mẹ

Chọn cá ngay từ thời còn nhỏ đến khi cá lớn tuyển lại lần nữa để có được đàn cá bố mẹ có chất lượng.

Tiêu chuẩn chọn cá betta bố mẹ

Cá khỏe mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, không bị thương tích, thân không bị say sát. Các vây lành lặn, cá không bị dị tật. Màu sắc đẹp, sặc sỡ. Các vây, đuôi mang dáng mềm mại.

– Hình thức nuôi: nuôi riêng cá đực và cá cái.

– Dụng cụ nuôi vỗ:

Cá cái: nuôi chung với nhau trong hồ xi măng hoặc lu sành, bể kính. Trên mặt nước thả thêm một ít rong, bèo để cá ẩn nấp. Nếu nuôi trong lu sành hay trong bể kính thì mực nước chỉ khoảng 2/3 chiều cao để tránh cá có thể nhảy ra ngoài.

Cá đực: nuôi từng con trong keo thủy tinh có thể tích rộng khoảng 2 lít. Giữa 2 mặt keo thủy tinh đặt giấy ngăn để tránh hiện tượng cá sừng nhau sẽ kém ăn, yếu sức.


Tham khảo video cá betta đẻ 

Quản lý và chăm sóc

Vì cá có cơ quan hô hấp phụ nên nên khoảng 2-3 ngày thay nước một lần. Lượng nước thay phụ thuộc vào chất lượng nuôi và chất lượng nước mới.

Mỗi ngày cho cá ăn vào buổi sáng (7-8 giờ) và buổi chiều (4-5 giờ). Thức ăn là cung quăng, trùn chỉ. Khẩu phần ăn là từ 8-10 trùn chỉ hay 10-15 cung quăng/ cá thể.

Trước khi cho cá đẻ 1 tuần, chọn cá cái có bụng to tách nuôi riêng trong lọ thủy tinh, đặt lọ kề bên con đực. Hằng ngày để cho chúng kè nhau khoảng 1 giờ. Lập lại 3 lần/ngày. Mục đích chính là kích thích và tạo điều kiện hưng phấn trước khi đẻ.

Kỹ thuật cho cá betta sinh sản

– Chuẩn bị dụng cụ: khạp sành hoặc lu sành có chứa nước để sẵn, mực nước khoảng 15 cm. Trong khạp hoặc lu có thả một ít rong hoặc bèo, không thả cũng được. Cá đực sẽ làm tổ bọt. Đặt khạp nơi khuất gió để tránh tan tổ bọt, không gây tiếng động, có ánh sáng nhẹ để nhiệt độ nước được ấm ấm nhằm tăng tỷ lệ nở

– Chọn cá bố mẹ cho đẻ:

Cá đực: khỏe mạnh, lanh lẹ, có kinh nghiệm trong việc ấp trứng và chăm sóc cá con.

Cá cái: bụng phình to, căng, da bụng mỏng, có mụn trứng lồi dài ra. Kích thước cá cái nên nhỏ hơn hoặc bằng cá đực, như vậy cá đực mới đủ sức ép và thụ tinh tốt.

– Hoạt động sinh sản: thả cặp cá đã chọn vào khạp hoặc lu, cá đực bắt đầu nhả bọt làm tổ, đồng thời cá đực cũng tiết nhày ở miệng để giúp bọt dính vào với nhau. Tác dụng của bọt là giữ trứng và cá con trên mặt nước.

Các bọt dần dần mất tính dính, vì vậy cá đực liên tục nhả bọt và chất dính trong suốt thời gian sinh sản.

Nếu cá cái đã đạt được độ thành thục tốt thả vào khạp sau một thời gian rượt đuổi nó sẽ dễ dàng cho cá đực ép. Cá đẻ trứng vào tổ bọt, thời gian đẻ kéo dài từ 3 – 5 giờ. Cá thường đẻ vào buổi sáng.

Ấp trứng

Cá cái có đặc tính ăn trứng, do đó sau khi đẻ xong phải vớt cá cái ra để cá đực chăm sóc trứng và cá con.

Nếu nhiệt độ nước 25 – 28oC, sau 36-42 giờ trứng sẽ nở.

Nếu nhiệt độ nước 28oC – 30oC, sau 30-36 giờ trứng sẽ nở

Cá bột sau khi nở vẫn nằm trong đám bọt đến khi tiêu hết noãn hoàng, vì vậy trong suốt thời gian này tổ bọt vẫn được cá đực tiết thêm.

Cá mới nở có chiều dài 3mm, cá 3 ngày tuổi có chiều dài 4mm, lúc này túi noãn hoàng còn rất nhỏ, cá đã bơi và ăn được thức ăn ngoài.

Ươm nuôi, chăm sóc cá con:

Giai đoạn cá bột: từ 1-3 ngày tuổi dinh dưỡng bằng noãn hoàng.

Khi cá bắt đầu sử dụng thức ăn ngoài (từ ngày thứ 4 – ngày thứ 6) do người nuôi cung cấp là thời điểm quan trọng nhất. Đây là lúc cá con hao hụt nhiều do thức ăn bổ sung không đúng thời điểm, không phù hợp, hoặc thời điểm chuyển cá ra hồ không phù hợp, mức nước ươm quá cao…

Những con cá còn lại trong bầy có hiện tượng phân đàn thành nhiều kích thước, tăng trưởng chậm, sức đề kháng giảm, màu sắc và kiểu dáng xấu. Đối với loại cá này, nếu làm cá đá, thì mất dần tính gan lì, không có răng hoặc ít răng.

Trên thực tế, để tránh những rủi ro thường gặp trên, cần có những can thiệp kịp thời. Thời điểm tách cá cha ra khỏi cá con rất quan trọng. Nếu tách quá sớm, cá con sẽ rất yếu, hay thiếu oxy dẫn đến chết ngộp. Nếu tách trễ, cá con sẽ bị suy dinh dưỡng do thiếu thức ăn, phân đàn cao hoặc sẽ bị cá cha ăn. Nên chọn ngay thời điểm cá con chuyển đời sống từ đáy (dụng cụ ép cá), lên tầng mặt nước, thân chuyển từ màu nâu vàng sang vàng, cá chuyển sang kiểu bơi lội chủ động. Sau khi tách cá cha (thường sau 4 ngày), khối noãn hoàng tiêu hết, là thời điểm thuận lợi và phù hợp nhất để chuyển cá con ra ao, hồ ươm. Dụng cụ ươm cá (hồ, ao, vèo, xô, chậu…), mức nước 10 – 20 cm, thả bèo lục bình chiếm 1/2 – 2/3 mặt nước, che lưới giảm sáng. Nên cho vào môi trường ươm cá loại bo bo (trứng nước), nhuyễn, nhỏ trước một ngày khi chuyển cá con ra dụng cụ ươm. Chọn thời điểm sáng sớm hoặc chiều mát để cho cá con ra.

Chú ý

Trong tháng tuổi đầu tiên, khi chuyển từ ăn mồi là bo bo sang ăn trùn chỉ, nếu không có giai đoạn để cá quen từ từ với thức ăn mới, tránh gây sốc đột ngột thì sẽ hao hụt thêm. Nên giảm lượng bo bo từ từ và thay dần trùn chỉ, cho đến khi cá chuyển sang ăn được trùn chỉ 100%. Mức nước hồ ươm nên tăng dần, từ không quá 30 cm trong tháng nuôi đầu tiên tăng dần đến cuối tháng thứ hai đạt khoảng 40 – 60 cm. Giữ vệ sinh hồ nuôi, tránh ô nhiễm, nguồn nước dơ bẩn.

Bài viết liên quan

  • Bể cá bị rêu xanh phải làm sao để sạch rêu

    Bể cá bị rêu xanh là trường hợp khá phổ biến và nó làm cho bể cá cảnh của bạn khá mất mỹ quan lem nhem khó chịu và rất khó để loại bỏ hết rêu xanh Tại sao bể cá bị rêu xanh? Bể cá bị rêu xanh do rất nhiều nguyên nhân dưới đây chúng tôi sẽ nêu…

  • Làm sao để nước bể cá cảnh không bị đục và luôn trong sạch

    Làm sao để nước bể cá cảnh không bị đục và luôn trong sạch. Chắc hẳn đó là điều mà tất cả người nuôi cá cảnh đều muốn biết. Ở bài viết dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn phương pháp làm trong sạch nước bể cá cảnh Làm sao để nước bể cá cảnh không bị đục…

  • Cá La Hán Ăn Gì Để Lên Màu, Lên Đầu Đẹp?

    Cá la hán là một loài cá cảnh có giá trị cao nhờ vẻ ngoài độc đáo và đẹp mắt. Rất nhiều người muốn sở hữu và nuôi loài cá này, tuy nhiên lại không biết cách chăm sóc cá thế nào cho đúng. Bài viết này Aqua Kim Giang chia sẻ với các bạn cách nuôi và giải đáp…

  • Hướng dẫn cách nuôi và kỹ thuật chăm sóc cá cảnh

    Hướng dẫn cách nuôi cá cảnh giúp cho người mới tập chơi có cách chăm sóc cá cảnh đúng cách  để cá phát triển khỏe mạnh. Cách phòng và chữa bệnh lở loét trên cá cảnh / Cách phòng và chữa bệnh nấm trắng trên cá cảnh Cá cảnh đã và đang được rất nhiều người dân từ thành thị…

  • Các chủng loại cá bảy màu đẹp

    Cá bảy màu có rất nhiều chủng loại cũng như dạng đuôi và màu sắc và do đó cũng kéo theo cách đặt tên cầu kỳ cho những chú cá này. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các đặc điểm của từng loài nhé Aqua kim giang đang bán nhiều loại cá bảy màu như : Full gold , full red,…