Việc đặt máy bơm tại hồ cá để hút nước sang khoang lọc sau đó bơm ngược trở lại bể đã không còn là phương án tối ưu cho 1 hồ cá koi, bởi phân cá sẽ bị đánh tan khi máy bơm hút vào dẫn đến hiệu quả lắng thấp. Vậy thiết kế đường ống như thế nào giữa các bể với hệ thống lọc, giữa các khoang lọc với nhau? Bài viết này Cá Cảnh Kim Giang sẽ chia sẻ với các bạn 1 sơ đồng đường ống chuẩn, đơn giản nhưng lại đạt được sự tối ưu cho hệ thống hồ koi

Ngăn lọc và hồ koi xây ngang bằng nhau rồi thông nhau bằng ống hút đáy và hút mặt, hút lửng được xem là tiêu chuẩn tối ưu nhất.

Sơ đồ đường ống hồ koi đơn giản

Hệ thống lọc hồ koi hiệu quả bao gồm các đường ống:

  • Ống hút đáy: Thu gom phân cá và cặn bẩn.
  • Ống hút mặt (skimmer): Thu gom rác trên mặt nước như lá cây, bụi bẩn.
  • Ống hút lửng: Hút cặn bẩn lơ lửng trong hồ
  • Ống bơm trả nước sạch: Dẫn nước sạch từ bộ lọc trở lại hồ.
  • Đường ống trong hệ thống lọc

Kỹ thuật đi Ống hút mặt

Dù nhiều người bỏ qua nhưng đây là phần không thể thiếu. Protein dư thừa và đa số chất độc gây hại gây bệnh đều lơ lửng và nổi trên nước, tạo thành váng bọt khiến hồ nước xấu và cá Koi không khoẻ. Ống hút mặt là cực kì cần thiết để đưa những chất không mong muốn đó vào hệ thống lọc xử lý.
Có 2 loại hút mặt cho hồ Koi: hút mặt xẻ rãnh và hút mặt nhún.

– Hút mặt xẻ rãnh: ưu điểm là mặc định chặn được thức ăn rơi vào hút mặt, làm to hay nhỏ là tùy nhu cầu mỗi hồ, điều chỉnh tháo lắp dễ dàng. Khuyết điểm là cố định 1 mực nước duy nhất, lực hút không quá mạnh và sạch như hút mặt nhún.- Xem tại đây

– Hút mặt nhún: ưu điểm là thu gom cặn bẩn, váng bọt trên mặt hồ cực kì hiệu quả, lên xuống nhún theo mực nước trong hồ, không sợ hụt nước, có rỗ chặn rác bên trong nên dễ dàng vệ sinh. Khuyết điểm là do lỗ hút quá to nên có nguy cơ cá nhảy chui vào chết (hiếm khi), thức ăn dạng nổi có thể trôi vào trong hút mặt cho nên mỗi khi cho ăn phải đậy hút mặt lại.

* Số lượng và kích cỡ ống hút mặt tham khảo:

  • Hồ Koi từ 1 – 3m3: dùng 1 hút mặt tùy chọn, 27-34-42.
  • Hồ Koi 3 – 8m3: dùng 1 hút mặt 49-60, đi đường ống 90.
  • Hồ Koi 8 – 15m3: dùng 2 hút mặt 42, đi đường ống 90.
  • Hồ Koi 15 – 25m3: dùng 2 ống 49.
  • Hồ Koi từ 25m3 trở lên: dùng nhiều ống 60 để đạt hiệu quả cao.

Đi ống hút đáy

Cách đi đường ống hút đáy được thực hiện liên kết giữa hồ chính và hệ lọc theo nguyên tắc thông nhau. Đường ống hút đáy được đặt chìm dưới đáy hồ nhằm hút chất cặn, bẩn, phân cá, thức ăn…

Ống hút đáy gom các cặn bẩn, thức ăn thừa vận chuyển sang ngăn lọc

Hồ cá Koi có thể có một hoặc nhiều ống hút đáy phụ thuộc vào diện tích và hình dạng. Tuy nhiên nên chọn loại ống thích hợp, không chọn loại quá bé. Ống hút quá bé tạo lực hút mạnh, đánh tan phân, chất bẩn, làm giảm tác dụng lọc và ngăn lắng. Từ đó làm cho nước trong hồ khó đạt độ trong và sạch. Kinh nghiệm chọn đường ống hút đáy:

  • Hồ Koi < 3m3: dùng ống phuy từ 60 – 90.
  • Hồ Koi từ 3- 8m3: dùng ống phuy 90 – 114 hoặc 2 ống phuy 90.
  • Hồ Koi > 8m3: dùng 1 hoặc nhiều ống phuy 140 – 200.

Ngoài ra, ống hút đáy cần thiết kế nắp chụp đậy lại. Nắp đậy giúp tránh tắc nghẽn đường ống và đạt hiệu quả thẩm mỹ. Bạn có thể dùng vỉ inox mua sẵn tại cửa hàng bán thiết bị hồ cá hoặc dùng xi măng xây nắp đậy ống hút đáy bạn cũng có thể mua nấm hút đáy bán sẵn

Ống hút lửng

Hút lửng nằm ở tầng lửng (tầng giữa) trong hồ để hút những cặn bẩn lợn cợn trôi nổi trong nước, mà hút mặt và hút đáy không làm được.

Hút lửng được bố trí từ 1 đến nhiều vị trí trong hồ tùy hồ lớn hay nhỏ. Không cần làm ống quá to, để chừa lưu lượng nước chính cho hút mặt và hút đáy.

Dùng ống nước xẻ rãnh để làm hút lửng, đảm bảo chỉ hút cặn bẩn, không làm tổn hại đến cá.

Các đường ống hút lửng được bố trí nhiều trong hồ để nâng cao hiệu quả hút cặn bẩn

Đường ống trả nước ( ống thổi luồng / ống lên thác )

Thường được phân làm 2 đường ống trả về: đường ống lên thác hay giàn mưa bakki shower và đường ống thổi luồng.

Nước sạch trả về có thể đẩy lên thác hoặc để thổi luồng

Tùy đầu ra của máy bơm hồ koi mà đi đường ống cho phù hợp. Tuyệt đối không nên đi đường ống quá nhỏ so với đầu ra của máy bơm mà nên xài đúng cỡ đầu ra, rồi nếu muốn chia làm nhiều lỗ ra nữa thì từ đó mình sẽ dùng T biến nhỏ lại, để đảm bảo hiệu suất làm việc hiệu quả của bơm.

Không dùng chung 1 bơm cho cả luồng và thác vì nó sẽ rất yếu. Nên xài tách riêng bơm ra mỗi máy 1 việc khác nhau.

Đường thổi luồng nên đi xung quanh cặp thành hồ, nằm ở khoảng mực nước 1/3 tính từ mực nước hồ trở xuống để vừa thổi cặn bận trên mặt hồ vào hút mặt, vừa tạo xoáy nước gom cặn đáy hồ vào hút đáy. Nên làm ít nhất 2 đường luồng đối nhau cho hồ cá Koi để đạt hiệu quả tốt nhất.

Các ống trong hệ thống lọc

– Giữa các ngăn lọc phải đặt ống thông ngăn để nước di chuyển từ ngăn này qua ngăn kế tiếp. Lỗ thông ngăn nên lấy nước tầng giữa, là tầng nước sạch nhất. Số lượng lỗ thông ngăn nên gấp 4 lần số lượng ống hút đáy (nếu cùng một đường kính ống), để đảm bảo nước di chuyển nhẹ nhàng, nâng cao khả năng lắng phân cặn và cung cấp đủ nước cho máy bơm hoạt động đúng tiêu chuẩn.

– Ở đáy các ngăn lọc nên có lỗ xả phân, để định kì vệ sinh có thể thoát nước và phân cặn ra cống được dễ dàng. (lỗ này kiêm luôn nhiệm vụ làm lỗ xả tràn). Còn trong trường hợp đáy hộp lọc thấp hơn mực nước ngoài cống thì bắt buộc phải dùng bơm, bơm ra ngoài cống, và bắt buộc làm đường xả tràn riêng ở trong hồ chính.

– Các lỗ thông vào ngăn lắng để đầu ống mẹ (cái), sao cho có thể cắm ống nước cùng size vào. Để khi cần thiết thì dùng ống nước cắm vào đậy lại, không cần xài van nước.

Call Now Button